(NLĐO) – Nghề làm muối ở Bạc Liêu có truyền thống hàng trăm năm. Để làm ra được hạt muối tưởng chừng như đơn giản, song đó lại là cả một quá trình kỳ công, nhọc nhằn với mồ hôi lẫn nước mắt của diêm dân.
Sáng 31-12, tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Sở VH-TT-DL Bạc Liêu phối hợp với UBND huyện Đông Hải tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”. Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
Một thời nghiệt ngã
Từ xưa, nghề sản xuất muối Bạc Liêu vốn nổi danh với cái tên “muối ba thắt” và giúp cho nhiều đại điền chủ giàu “nứt vách” từ hạt muối như: Hội đồng Trạch, điền chủ Huỳnh Quái… Còn những diêm dân nhọc nhằn, lam lũ trên những cánh đồng muối nắng cháy đều là những tá điền.
Sau ngày đất nước thống nhất, diêm dân làm chủ ruộng muối nhưng vấn đề đầu ra cho hạt muối luôn bất ổn. Vào những năm 1980-1990, người ta phải chở từng ghe muối xuôi ngược khắp các kênh rạch từ làng quê ra phố thị để rao bán cho từng nhà. Tiếng rao: “Muối hôn…!” đã trở thành âm thanh quen thuộc trong ký ức của những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu vào thời đó.
Không biết tự bao giờ mà xưa nay, người ta còn ví một người đã qua đời bằng cụm từ “đi bán muối”, có thể vì chết là đi xa. Người xưa gọi là đi qua vùng muối mặn chát đớn đau. Cũng có thể cụm từ “đi bán muối” xuất hiện từ thời Pháp, vì khi ấy thực dân Pháp chiếm nước ta và đã đặt ra nhiều luật lệ nhằm cai trị người dân, trong đó có luật lệ không được sản xuất muối, để độc quyền sản xuất và bán muối. Nếu chúng phát hiện người dân nào sản xuất và bán muối không do chúng sản xuất thì lập tức người ấy sẽ bị xử tử hình.
Thời đó, nắm rõ những yếu tố quan trọng của muối trong đời sống người dân Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp đã có nhiều biện pháp để nắm độc quyền phân phối muối và áp đặt nhiều loại thuế và phí lên muối. Thuế áp dụng cho muối được xếp vào nhóm thuế thương mãi. Đây là loại thuế trọng yếu, gồm 3 thứ: Thuế rượu, thuế thuốc phiện và thuế muối mà chế độ thực dân sử dụng như một công cụ độc quyền thương mãi trực tiếp mọi khâu.
Qua chính sách đánh thuế bất nhân này, chế độ thực dân đã thu gom rất nhiều tiền cho ngân sách chính quyền thuộc địa, đủ trả lương cho 50% công chức ở Đông Dương.
Hồi đó, đi bán muối là một việc rất nguy hiểm vì lợi nhuận rất cao, nên chế độ thực dân đã áp đặt các chế tài và hình phạt nghiêm khắc dành cho dân bản xứ nếu có ai đó liều lĩnh buôn lậu muối. Khi bị chính quyền thực dân bắt là nhiều hình phạt lưu đày tù tội cho đến chết. Thế nên xuất hiện trong ngôn ngữ nói của dân gian có cụm từ “đi bán muối” cũng có thể để ám chỉ người đi buôn muối thường hay đi xa và lỡ bị bắt thì khó có ngày về.
Tình người và muối
Nguồn: Báo Người Lao Động