Ngon như… muối Bạc Liêu!

Trước đây, nói đến địa danh Bạc Liêu là người ta nghĩ ngay đến “vương quốc” của muối. Đây là địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất Nam kỳ với chất lượng hàng đầu. Hiện nay, muối Bạc Liêu không ngừng khẳng định thương hiệu và đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP, góp phần quảng bá hình ảnh cho du lịch Bạc Liêu.

Diêm dân huyện Hòa Bình thu hoạch muối. Ảnh: Tú Anh
Diêm dân huyện Hòa Bình thu hoạch muối. Ảnh: Tú Anh

TỰ HÀO MUỐI “BA THẮC”

Có thể nói, nghề muối Bạc Liêu đã hình hành và phát triển trên 100 năm. Với điều kiện sinh thái đặc thù và giáp với biển đã tạo thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển mạnh nghề làm muối. Muối Bạc Liêu xưa gọi là muối Ba Thắc, một thương hiệu dân gian nổi tiếng gắn liền với sinh kế của nhiều diêm dân và đã trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển.

Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng những làng nghề muối Bạc Liêu hiện nay vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, phương pháp sản xuất độc đáo. Với gần 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, sản lượng hằng năm đạt hơn 15.000 tấn. Muối được sản xuất tại Bạc Liêu có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat… rất thấp, không gây vị đắng, chát; trong khi đó hàm lượng natriclorua rất cao. Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Muối Bạc Liêu có tiếng là vậy, nhưng làm muối vẫn là một nghề đã và đang trải qua rất nhiều thăng trầm. Mặc dù năm 2013 muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu, được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đến năm 2020 “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng đời sống của diêm dân vẫn còn gặp khó và diện tích làm muối giảm dần. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000ha sản xuất muối, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm muối thì đến năm 2015 giảm xuống còn hơn 2.600ha và năm 2022 chỉ còn 1.411ha. Tình trạng này là do việc sản xuất muối không mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình sản xuất khác nên nhiều diêm dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất để có thu nhập cao hơn. Nghề muối ở Bạc Liêu tồn tại trên 100 năm nhưng cư dân xứ biển chưa thể giàu lên từ hạt muối. Nguyên nhân là do diện tích canh tác của từng gia đình không nhiều, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập và nhiều lý do khác. Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến muối nhưng các doanh nghiệp này chưa có nhiều hoạt động liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho các HTX, tổ hợp tác và diêm dân. Diêm dân chủ yếu bán muối thô cho doanh nghiệp hoặc thương lái thông qua thỏa thuận về giá cả giữa các bên.

Sản xuất muối tại Bạc Liêu hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp phơi nước, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định đến sản lượng, chất lượng muối. Trong khi đó, trải bạt sản xuất muối trắng là hướng đi đúng để phát triển bền vững nghề muối, và ai cũng biết sản xuất muối trắng là tốt nhưng ngặt nỗi vốn đầu tư trải bạt quá lớn, trong khi đa phần diêm dân đều nghèo nên không làm được. Như ở vụ mùa 2021 – 2022, diện tích sản xuất theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh là hơn 103ha, chỉ chiếm khoảng 7% tổng diện tích sản xuất muối của toàn tỉnh.

Huyện Đông Hải trưng bày các sản phẩm của nghề làm muối truyền thống. Ảnh: H.T
Huyện Đông Hải trưng bày các sản phẩm của nghề làm muối truyền thống. Ảnh: H.T

BẢO TỒN NGHỀ MUỐI

Để bảo tồn và phát triển nghề muối, trong những năm qua Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cho đồng muối và quyết tâm giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 – 2030. Tỉnh xây dựng và phát triển ngành Muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối, nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người làm muối.

Cùng với đầu tư cho sản xuất muối, thì việc chế biến xuất khẩu cũng phải được quan tâm, bởi đây là khâu quyết định giá trị hạt muối. Hiện tại, Bạc Liêu có 2 nhà máy chế biến muối có tổng công suất thiết kế trên 36.000 tấn/năm; trong đó một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… và cung cấp cho hơn 300 cửa hàng, siêu thị từ Bắc vào Nam với các hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart, Satra, Lotte Mart, VinMart… Tuy nhiên, mỗi năm 2 doanh nghiệp này chỉ tiêu thụ khoảng 10% sản lượng muối của toàn tỉnh.

Để phát triển ngành Muối của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho diêm dân, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021 – 2025 đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải) với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, Dự án sẽ cải tạo, xây dựng mới hơn 15km đường giao thông và thay mới 4 cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.300ha tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông.

Có thể nói, bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Những câu chuyện xung quanh nghề muối và hạt muối Bạc Liêu chính là giá trị hữu hình và là những tiềm năng để làm du lịch. Bạc Liêu sẽ xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; xây dựng lễ hội muối và tổ chức định kỳ hằng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức. Hiện nay, Bạc Liêu có 10 sản phẩm muối đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm 7 sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đạt 4 sao (Muối tinh Bạc Liêu, Muối tôm Bạc Liêu, Muối chay Bạc Liêu, Muối hạt Bạc Liêu, Muối Iod Bạc Liêu, Muối ớt Bạc Liêu, Muối tiêu Bạc Liêu) và 3 sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Đông Hải đạt 3 sao (Muối hạt sạch, Muối hạt sạch sấy, Muối tinh sấy Iod).

Với những giá trị lịch sử – văn hóa được kết tinh từ hạt muối, tin rằng muối Bạc Liêu sẽ không ngừng vươn xa, diêm dân sẽ làm giàu từ hạt muối và muối Ba Thắc mãi là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.

Nguồn: VĂN MƯỜI – Báo Bạc Liêu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon