Lấp lánh di sản muối Bạc Liêu

Bao đời nay, dù vất vả, thậm chí không ít lần trắng tay mà diêm dân Bạc Liêu vẫn ‘chung tình’ với muối. Người dân xứ này thương hạt muối bằng một tình yêu mãnh liệt, như soạn giả Ngô Hồng Khanh thể hiện qua những lời ca trong bài vọng cổ Biển cạn: ‘Muối Long Điền mặn nghĩa thủy chung’; ‘cá kèo kho muối Bạc Liêu, lấy chồng quê biển thêm yêu Gành Hào’…

Diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch muối.

Nghề làm muối ở Bạc Liêu hình thành và phát triển sớm, từ những năm đầu thế kỷ 20. Bạc Liêu được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam và là tỉnh có sản lượng muối lớn nhất nước. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhọc nhằn vị mặn kết tinh

Nhờ có điều kiện sinh thái đặc thù và đường bờ biển kéo dài hàng chục ki-lô-mét cho nên Bạc Liêu rất thuận lợi, hình thành những ruộng muối trải dài từ đoạn giáp biển Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đến cửa biển Gành Hào. Nhiều xóm làng ở xã Điền Hải, Long Điền Tây cũng được gọi là “xóm Muối” hay “ấp Diêm Điền” vì tập trung hàng trăm hộ dân sống bằng nghề làm muối.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn nhất nước với gần 1.500 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 15.000 tấn. Muối Bạc Liêu xưa gọi là muối Ba Thắc, một thương hiệu dân gian nổi tiếng gắn liền với sinh kế của nhiều diêm dân và trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển.

Sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt nhựa.

Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng những làng nghề muối Bạc Liêu hiện nay vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, phương pháp sản xuất độc đáo. Nghề này đòi hỏi diêm dân sự cần cù, chịu khó cùng những tri thức, kinh nghiệm sản xuất gắn với thiên nhiên. Mùa làm muối thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau.

Bước đầu, trên ruộng muối, người dân sẽ xử lý nền đất cho thật chặt, hạn chế tối đa nước biển thấm vào. Sau đó tiếp tục đưa nước biển vào phơi khô để thêm độ rắn cho đất. Khi nền ruộng muối đã đạt yêu cầu mới đưa nước biển vào bên trong.

Ruộng muối khi có nước biển vào gọi là “ruộng phơi”, dưới ánh nắng mặt trời lượng nước biển bốc hơi bớt, độ mặn tăng cao hơn so với ban đầu, người dân mới tháo phần nước này xuống phần ruộng bên dưới để tạo muối, ruộng này gọi là “ruộng ăn”, được lèn chặt và nhẵn bóng từ trước.

Sản xuất muối tại Bạc Liêu hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp phơi nước, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết cho nên số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định đến sản lượng, chất lượng muối.

Ghé thăm những cánh đồng muối xã Điền Hải, huyện Đông Hải, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng những diêm dân lâu năm gắn bó với nghề. Gương mặt đen sạm rắn rỏi, ở tuổi 70, ông Trần Văn Công đang cần mẫn lụm tạp chất bằng đôi bàn tay cũng sạm đen nổi bật trên gò muối trắng lấp lánh dưới nắng trời.

Thương lái thu mua muối của diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải.

Vừa làm, ông vừa rổn rảng trò chuyện: “Tôi làm nghề này đã gần 30 năm, có những năm muối chỉ 2.000 đồng, 1 vạ, khổ vậy mà vẫn làm đến giờ. Ngày xưa phải dẫn nước từ đê quốc phòng vào tận trong này gần 3 km, phải đào đường dẫn nước đến ruộng muối, còn bây giờ toàn dùng máy, không khổ như thời gian phải làm gào bắt khung chữ A để tát nước vào ruộng…”.

Tôi làm nghề này đã gần 30 năm, có những năm muối chỉ 2.000 đồng, 1 vạ, khổ vậy mà vẫn làm đến giờ. Ngày xưa phải dẫn nước từ đê quốc phòng vào tận trong này gần 3 km, phải đào đường dẫn nước đến ruộng muối, còn bây giờ toàn dùng máy, không khổ như thời gian phải làm gào bắt khung chữ A để tát nước vào ruộng…

Ông Trần Văn Công

Những năm gần đây, diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt nhựa trên sân kết tinh, không chỉ mang lại năng suất gấp đôi mà muối cũng được bán với giá cao hơn so với sản xuất truyền thống vì chất lượng tốt hơn.

Đông Hải là huyện có diện tích muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với 1.280 ha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồ Thanh Tuấn cho biết, năm 2020 khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm muối được Trung ương và tỉnh rất quan tâm và hỗ trợ cho huyện tổng kinh phí 130 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng muối chất lượng cao, sản xuất muối theo cách cơ giới hóa và sản xuất hiện đại như trải bạt.

Bà Nguyễn Thị Thúy, diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải tâm sự: “Mình làm muối truyền thống giá sẽ thấp, hiệu quả cũng không cao, còn bây giờ trải bạt thì nó nhanh kết tinh muối, thời gian thu hoạch ngắn, giá cao hơn. Trải bốn sân phơi này với vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng, khoảng 1 năm sẽ gỡ vốn lại. Năm nay tôi bán được nhiều tiền hơn do làm muối trải thảm, hằng năm muối chỉ có vài trăm đồng/kg nhưng năm nay được giá hơn 2.000 đồng/kg”.

Ông Nguyễn Hồng Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Diêm nghiệp Huy Điền (xã Điền Hải) cho biết, để giảm sức lao động cần phải dùng khoa học-công nghệ như có máy móc, đầu tư trải bạt. Hợp tác xã của ông cũng rất quan tâm vấn đề tham gia vào OCOP để có thương hiệu sản phẩm, vì muối Bạc Liêu có vị đặc trưng như hậu ngọt khác với các địa phương khác.

Cần được “chắp cánh”

Tuy trải bạt sản xuất là hướng đi đúng để phát triển bền vững và sản xuất muối trắng là tốt nhưng ngặt nỗi vốn đầu tư trải bạt quá lớn, trong khi đa phần diêm dân có hoàn cảnh khó khăn nên không làm được. Điển hình, vụ mùa năm 2021-2022, diện tích sản xuất theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh của huyện Đông Hải là hơn 103 ha, chỉ chiếm khoảng 7% tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh.

Dù hạt muối Bạc Liêu đang tiếp tục khẳng định được thương hiệu, có vị trí nhất định trên thị trường trong, ngoài nước và nghề làm muối Bạc Liêu được công nhận di sản quốc gia, nhưng đời sống của diêm dân vẫn còn gặp khó và diện tích làm muối ngày càng giảm dần. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha sản xuất, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm thì đến năm 2015 giảm xuống còn hơn 2.600 ha và năm 2022 chỉ còn 1.411 ha. Tình trạng này là do việc sản xuất muối không mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình sản xuất khác cho nên nhiều người đã chuyển đổi sản xuất để có thu nhập cao hơn.

Nhà máy chế biến muối chất lượng cao xuất khẩu tại Bạc Liêu.

Những năm qua, Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng đồng muối, quyết tâm giữ nghề truyền thống. Tỉnh đã phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030, xây dựng và phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống diêm dân.

Hiện Bạc Liêu có hai nhà máy chế biến muối có tổng công suất thiết kế hơn 36.000 tấn/năm; trong đó một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài việc khuyến khích người dân liên kết sản xuất và áp dụng mô hình sản xuất muối trải bạt, trong quá trình sơ chế, Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu đã có sáng kiến chế tạo máy sấy trống quay cho ẩm độ muối khoảng 5% xuống dưới 1%.

Hạt muối sau khi sấy có độ đồng đều về kích cỡ, màu sắc sáng trắng, vị mặn thanh. Đây là sáng kiến đoạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 6; máy trống quay khắc phục nhược điểm của sấy muối tĩnh vỉ ngang và sấy sàng trước đây như: tốn nhiều nhân công, nhiên liệu, thiết bị mau hỏng, sản phẩm không đồng đều về độ ẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly bày tỏ lạc quan: Được Bộ đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng muối, Bạc Liêu sẽ quan tâm củng cố kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn. Hy vọng trong tương lai muối không chỉ sản xuất làm thức ăn mà còn kết hợp với sức khỏe, du lịch để giúp bà con cải tạo cuộc sống, đưa ngành muối phát triển hơn.

Được Bộ đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng muối, Bạc Liêu sẽ quan tâm củng cố kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn. Hy vọng trong tương lai muối không chỉ sản xuất làm thức ăn mà còn kết hợp với sức khỏe, du lịch để giúp bà con cải tạo cuộc sống, đưa ngành muối phát triển hơn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải) với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, sẽ cải tạo, xây dựng mới hơn 15 km đường giao thông và thay mới bốn cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất hơn 1.300 ha tại hai xã Điền Hải và Long Điền Đông.

Khi được đầu tư, xã sẽ tập trung phát triển thương hiệu, có thể tham gia vào OCOP để thương hiệu muối Điền Hải được vươn xa trong và ngoài nước.Còn Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải Hồ Thanh Tuấn chia sẻ một ấp ủ của đất nghề, là huyện đang hỗ trợ những diêm dân “thủy chung” với muối, từ đó xây dựng hình tượng nghệ nhân để Nhà nước công nhận, giúp duy trì nghề truyền thống cho đời sau…

Nguồn: Báo Nhân Dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon