‘Cơ cầu’ là chuyện của ngày xưa, còn hôm nay, Bạc Liêu sau nhiều lần dịch chuyển không gian hành chính đã thay đổi nhiều lắm rồi.
Về Bạc Liêu danh tiếng
Ôn lại giấc ngủ vàng son
Bài hát “Bạc Liêu Hoài cổ” nghe thật đong đầy cảm xúc bởi làn điệu đậm chất phương Nam. Thích nhất là giai điệu thật cảm xúc “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu. Dân gian ca rằng Bạc Liêu là xứ cơ cầu”. Nghe mãi mà vẫn chưa hiểu hết hai chữ “cơ cầu”, chỉ cảm nhận có điều gì đó thật sâu lắng song có vẻ hơi nặng lòng. Không biết thì tra từ điển tìm từ nguyên và được giải thích: “cơ cầu” có nghĩa là: khổ sở, khó khăn, vất vả, khắc nghiệt, nghiệt ngã. Bạc Liêu – một tỉnh miền duyên hải nằm trên bán đảo Cà Mau – một thời xa xưa là như vậy.
Nhưng “cơ cầu” là chuyện của ngày xưa, còn hôm nay, Bạc Liêu sau nhiều lần dịch chuyển không gian hành chính đã thay đổi nhiều lắm rồi. Bạc Liêu đang hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm ngành tôm cả nước. Những cánh đồng “con tôm ôm cây lúa” thích ứng với điều kiện nước mặn, ngọt, lợ xen kẽ đã đổi đời nhiều bà con nông dân. Những khu công nghiệp chế biến tôm cá thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao đi ra thị trường thế giới. Những trang trại nuôi tôm công nghệ tuần hoàn đang tiếp cận trình độ quốc tế.
Những cánh quạt trắng kéo dài từ bờ ra khơi hướng mục tiêu trở thành trung tâm điện gió của khu vực. Những dãy rừng phòng hộ ven biển đang kích hoạt du lịch tích hợp giữa phát triển điện năng và trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập mặn.
“Chừng nào chưa cạn biển Đông. Bạc Liêu còn muối anh không sợ nghèo”. Muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất. Những hạt muối mặn mòi mang theo tình người làm muối ngược xuôi khắp vùng. Nghề làm muối đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Những ước vọng đổi đời diêm dân đang khởi tạo hành trình hiện thực hóa.
Bạc Liêu sẽ kết hợp cách làm muối truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm từ hạt muối, để muối và rau sam muối biển không chỉ là một loại gia vị mà còn là dược phẩm, mỹ phẩm. Những cánh đồng muối sẽ được bổ sung vào địa chỉ du lịch theo tư duy đa tầng tạo giá trị. Hạt muối vùng Hòa Bình – Đông Hải sẽ đi xa chứ không còn “đem muối bỏ biển”.
Nhà hát Cao Văn Lầu nằm giữa trung tâm thành phố, cách điệu hình ba chiếc nón lá, gắn với bài “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng như một biểu tượng văn hóa truyền thống không chỉ riêng của Bạc Liêu mà cả vùng đất phương Nam. Những di tích lịch sử, đền chùa, miếu mạo… là dấu ấn của các dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm trên đường dừng chân lập nghiệp nhiều trăm năm trước. Một sự cộng sinh văn hóa từ những làn điệu hò chèo ghe gắn với cuộc đời sông nước. “Nước sông sao cứ chảy hoài. Thương người xa xứ lạc loài đến đây”, “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi. Qua khúc sông này bờ bụi tối tăm”.
Trong bộn bề cuộc sống, con người dễ quên đi những di sản văn hóa đã từng thấm vào máu thịt, tâm hồn, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bảo tồn các di sản văn hóa không phải phục vụ hội hè mà tạo ra, cộng hưởng thành giá trị chung và quảng bá sự khác biệt riêng thu hút khách phương xa.
Văn hóa vô hình sẽ được chuyển hóa thành những giá trị hữu hình nếu được chăm chút bằng tất cả sự tự hào của cư dân địa phương. Văn hóa vô hình ẩn chứa trong từng nếp nhà, làng xóm, tăng tính cố kết cộng đồng bền chặt. Sản phẩm có thể tương đồng nhau, nhưng văn hóa sẽ làm cho sản phẩm luôn có tính khác biệt.
Cây lúa đã cắm sâu vào mặt đất Bạc Liêu từ trăm năm trước, khi những lưu dân đã chọn vùng đất hiền hòa nơi đây để lập nghiệp. Trên đường xuôi về Cà Mau, một chứng tích ghi lại sự kiện bi thảm xảy ra ở cánh đồng Nọc Nạng thập niên 20 của thế kỷ trước.
Những nhân vật nông dân như Biện Toại, Mười Chức… trở thành huyền thoại của những người chân chất, hào sảng, nghĩa hiệp, không khuất phục cường quyền, quyết đấu tranh giữ lấy thành quả sau mỗi vụ mùa.
Lửa đã cháy trên những mái nhà, máu đã đổ trên cánh đồng, thôn xóm Nọc Nạng, để hôm nay những cánh đồng lúa trải rộng đến chân trời, hướng tới tạo dựng thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu như khát vọng của những người đã khuất.
Bạc Liêu, như các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp vừa thuận thiên, vừa thích ứng luôn là bài toán dễ dẫn đến xung đột nhau. Nuôi tôm thì cần nước mặn, trồng lúa thì cần nước ngọt, trời nắng thì tốt dưa, trời mưa lại tốt lúa.
Điều hòa, cân bằng sinh thái để cùng tồn tại, tích hợp để tạo ra giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp đòi hỏi sự tham gia của từng cộng đồng nông dân với sự định hướng của lãnh đạo địa phương và sự dẫn dắt của doanh nghiệp. “Thương nhau hát lý qua cầu. Quê em Ninh Quới nặng câu ân tình”. Âu thuyền Ninh Quới và hệ thống thủy lợi Quản Lộ – Phụng Hiệp cùng các tuyến giao thông phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng để không tạo ra những hệ lụy khác do thay đổi cục bộ địa hình.
Con người ngày càng sinh sôi nhưng mặt đất, mặt nước không thể sinh sôi. Bạc Liêu đâu mãi tự hào mời chào “Theo anh về xứ Bạc Liêu. Ăn cá thay bánh, ăn nghêu thay quà”. Câu dân gian “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” tỏ ra không còn phù hợp.
Đã là làm nông thì luôn chịu rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Đó là những yếu tố khách quan, nhưng còn những yếu tố chủ quan: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên, sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc, không quan tâm đến an toàn thực phẩm. Như vậy, không chỉ thay đổi cách làm nông mà cần thay đổi tư duy về một nền kinh tế nông nghiệp, gắn với chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp, minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa không tránh khỏi sự xung đột giữa nghề nông và các nghề khác, giữa nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Lại một lần nữa, vai trò điều hòa, cân bằng trên con đường phát triển, giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa kinh tế và môi trường, xã hội phải được cân nhắc thấu đáo trước khi lựa chọn phương án đánh đổi.
Vườn chim Nhà Mát hơn 100 ha, ngoài mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, như còn nhắc nhở người Bạc Liêu cần làm gì để thực sự là nơi “đất lành chim đậu”. Người Bạc Liêu vẫn mãi vậy, “Sông có cạn tình không đổi dời”, vẫn mãi hào hiệp, phóng khoáng, nghĩa tình!
Bạc đầu trở lại Bạc Liêu
Nghe con tôm nhảy giữa chiều mênh mang
Vuông dọc rồi lại vuông ngang
Vung tay quăng rớ, bạn vàng í ơi!