Mưa đầu mùa đã làm cho nhiều diện tích vốn còn lại ít ỏi tan thành nước. Tranh thủ trời nắng trở lại diêm dân Bạc Liêu lại túa ra đồng thu hoạch những hạt muối còn lại cho niên vụ năm 2023.
Nghề làm muối có mặt tại tỉnh Bạc Liêu hơn 100 năm nay. Hiện tại diện tích sản xuất muối toàn tỉnh Bạc Liêu gần 1.500 ha ở huyện Hòa Bình, Đông Hải.
Ông Trần Hoàng Thanh, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết, nghề này trời nắng nóng thì mừng, trời mưa thì lo. “Nắng mưa là chuyện của…trời. Điều diêm dân gặp phải là năm nào nắng to trúng mùa giá hạ; mưa nhiều, năng suất thấp giá muối tăng cao. Chính vì vậy, những người theo nghề muối lâu năm, biết vậy nhưng không bỏ nghề”, ông Thanh chia sẻ.
Năm 2020, nghề làm muối Bạc Liêu được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ý thức được việc này, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030.
Đầu năm 2023, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (thuộc Bộ NNPTNT) đầu tư 100 tỉ đồng triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng muối tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Huy Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) cho biết, không có nhiều diêm dân áp dụng phương pháp trải bạt bởi chi phí đầu tư vượt quá khả năng của phần đông bà con.
Ông Quốc liệt kê: Chỉ tính riêng chi phí đầu tư trải bạt nhựa lát nền 1.000 m2, bà con phải đầu tư 50 triệu, nếu cộng với các khoảng chi phí khác sẽ từ 140 – 150 triệu đồng/1.000m2. Điều này vượt quá xa khả năng của diêm dân. Chính vì thế, tổng diện tích sản xuất muối của Bạc Liêu là 1.468 ha nhưng chỉ có 70 ha sản xuất muối trải bạt.
Ông Lê Tấn Cận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để giữ ổn định diện tích muối, diêm dân sống được bằng nghề, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung hướng dẫn hỗ trợ các dự án xây dựng các mô hình liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và thích ứng với biển đổi khí hậu trong sản xuất muối; ưu tiên cao cho dự án nghiên cứu sản xuất chế biến muối sạch, an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sản xuất chế biến muối biển nhạt nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp có lợi cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch muối; phát triển mạnh các sản phẩm muối mới và tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã có 10 sản phẩm muối đã được công nhận sản phẩm OCOP, gồm 7 sản phẩm muối của Công ty cổ phần muối Bạc Liêu đạt 4 sao và 3 sản phẩm muối của Công ty cổ phần muối Đông Hải đạt 3 sao.
Nguồn: Laodong.vn