Bước chuyển mình mạnh mẽ trên những cánh đồng muối ở Bạc Liêu

BẠC LIÊU Những cánh đồng muối ở Bạc Liêu đang có bước chuyển mình mạnh mẽ khi nhiều người bỏ muối theo tôm, nhưng cũng có không ít diêm dân muốn bảo tồn, phát triển bền vững.

Con tôm lấn vào đòng muối

Hạt muối đã gắn bó với cơ nghiệp của người dân vùng biển Bạc Liêu hơn một thế kỷ. Nghề làm muối cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng sản xuất muối trong thời gian tới. Tuy nhiên, phương án này đang gặp khó khi ngày càng có nhiều cánh đồng giã từ nghiệp muối… để đuổi theo con tôm.

àm muối phụ thuộc thời tiết, nếu mưa nắng thất thường thì coi như mất trắng. Còn trông chờ vào thị trường mà giá cả mấy năm nay thấp “chạm đáy” đã đưa đẩy diêm dân chuyển sang nuôi tôm. Lợi nhuận cao, nhưng nghề nuôi tôm được đánh giá là mang tính “rủi ro” chứ không ổn định như nghề muối. Ở góc độ trực tiếp sản xuất, diêm dân nhận định “cú đánh cược” này đang có bước khởi đầu tốt nhưng cần phải thận trọng.

Làm muối thì phải giữ nước thật tốt, nhưng những hộ không giữ được nước thì họ chuyển sang mô hình khác thế nên tại Đông Hải có trên 1.150 ha làm muối thì trung bình một năm lại có vài chục ha được chuyển đổi.

Anh Lê Minh Mẫn là diêm dân trưởng thành trong gia đình đã có 2 đời làm muối tại huyện Hòa Bình. Sở hữu được 90 công đất, năm nay, anh Mẫn chuyển đổi 40 công để nuôi tôm sú. Diện tích còn lại đợi năm sau gặp thời tiết tốt, nắng nhiều sẽ tiếp tục canh tác muối. Lý do anh Mẫn chọn nuôi tôm là vì có lợi nhuận cao, nhưng anh vẫn chưa “dứt lòng” được với hạt muối là muốn lưu giữ ít “lửa” truyền thống của gia đình.

Anh Lê Minh Mẫn tâm tư: “Năm nay giá muối cao ngất ngưởng nhưng mà anh cũng bỏ. Chuyển đi rồi thì quay lại không dễ dàng. Người ta đã chuyển nhiều năm trước chỉ còn tôi nên cũng đành phải chuyển đổi”. Theo anh Mẫn, bây giờ nhân công lao động cao, xăng dầu, điện… đều tăng giá mà trong khi nghề muối thì toàn làm thủ công. Bình quân mỗi năm với diện tích của gia đình có thể kiếm lời khoảng 200 triệu đồng từ nghề muối. Còn chuyển qua tôm nếu trúng mùa thì có thể kiếm được tiền tỷ.

Không ồ ạt chuyển sang nuôi tôm công nghiệp như Hòa Bình, huyện Đông Hải chọn nuôi tôm quảng canh trong ruộng muối để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, ở Đông Hải đã có 2/3 diện tích làm muối được khai thác nuôi tôm vào mùa mưa, với năng suất đạt khoảng 1 – 1,2 tấn/ha đối với tôm sú và 4 – 5 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng. Với giá tôm sú hiện nay khoảng 230.000 đồng/kg ( loại 30 con/kg), tôm thẻ chân trắng khoảng 105.000 đồng/kg ( loại 100 con/kg), người nuôi tôm có thể có thu nhập khá từ việc đầu tư này.

Nhiều nơi diêm dân không bỏ nghề mà là chuyển đổi trong 6 tháng mùa nắng thì làm muối, 6 tháng mùa mưa hứng nước mưa để giảm độ mặn và thả tôm, cua vào nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Diêm nghiệp Huy Điền cho biết về lợi thế của việc thả tôm trong ruộng muối: “Diêm dân tận dụng đất muối mặn và không có xử lý hóa chất để thả nuôi tôm, cua biển. Trong 6 tháng mùa nắng thì làm muối, 6 tháng mùa mưa hứng nước mưa để giảm độ mặn và thả tôm, cua vào nuôi. Hình thức nuôi quảng canh, mật độ thưa nên cũng không tốn chi phí đầu tư nhiều nên đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Ứng dụng công nghệ để phát triển nghề muối

Ở Bạc Liêu, nghề làm muối tập trung chủ yếu tại hai huyện Đông Hải và Hòa Bình, diện tích khoảng 2.000 ha, với gần 900 hộ dân làm nghề. Năm 2022, giá muối tăng đột biến, muối đen hiện có giá 3.000 đồng/kg thay vì chỉ giao động từ 1.400 -1800 đồng/kg như mấy năm trước đây. Nhưng Bạc Liêu lại thiếu nguồn cung vì những trận mưa trái mùa đã gây thất thoát rất lớn lượng muối chưa kịp thu hoạch của bà con. Vụ muối năm 2021 – 2022 này được diêm dân đánh giá là vụ sản xuất khó khăn nhất trong 10 năm qua, ước tính thiệt hại gần 9.250 tấn, tương đương trên 16 tỷ đồng.

Nghề muối hiện nay diêm dân vẫn chủ yếu làm thủ công, dẫn đến chi phí cao, lại lệ thuộc nhiều vào thời tiết nên thu nhập thấp và bấp bênh. Ảnh: Trọng Linh.

Theo Hợp tác xã Diêm nghiệp Huy Điền, gần chục năm nay, đời sống của diêm dân xã viên hiếm có người nào khá lên từ nghề làm muối. Mặc dù vậy, mọi người vẫn gắn bó với nghề với niềm hi vọng, chờ đợi kinh tế từ nghề muối khởi sắc. Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cũng nhìn nhận, sau bao nhiêu năm mong mỏi, nghề muối vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi. Cái khó nhất ở sản xuất muối mấy năm nay là mưa trái mùa, thiệt hại rất lớn sản lượng, không đảm bảo nguồn kinh tế dẫn đến thu nhập thấp.

Giải pháp được đề xuất là bảo tồn diện tích muối hiện có, song song áp dụng các chính sách, đề án để phát triển thương hiệu muối Bạc Liêu gắn với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết, Bộ NN-PTNN hỗ trợ cho tỉnh Bạc Liêu đề án nâng cấp cánh đồng muối, tổng kinh phí 130 tỉ đồng, trong đó có 4 dự án nhỏ.

Để nghề muối phát triển bền vững, Diêm dân mong muốn được đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, chất lượng muối, nhằm tăng thu nhập. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ nhất là nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi. Thứ hai là dự án nâng cao hiệu quả và chất lượng muối, giúp diêm ứng dụng công nghệ để tăng năng suất muối. Thứ ba, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối để xây dựng thương hiệu muối thực phẩm, muối dược liệu, quà tăng du lịch… Thứ tư, xây dựng khu trưng bày muối, công cụ, phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch. Xây dựng mô hình điểm thể thu hút khách du lịch đến đây trải nghiệm. Với đề án này, hy vọng nghề muối ở Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển.

Khi nghề muối được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì Đông Hải đã khuyến khích người dân giữ lại diện tích muối để bảo tồn nghề truyền thống. Ngoài ra, còn phát huy các giá trị kinh tế khác như kết nối du lịch, xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu.

Nguồn: nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon