Tạo dựng thương hiệu muối Bạc Liêu là sản phẩm đặc biệt

(PLVN) – Năm 2013, sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Cuối năm 2020, nghề muối Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, đến nay có nhiều sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

10 sản phẩm muối được công nhận đạt chứng nhận OCOP

Một cánh đồng muối ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) đang mùa thu hoạch.
Một cánh đồng muối ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) đang mùa thu hoạch.

Từ khi sản phẩm muối ăn “Bạc Liêu” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tỉnh Bạc Liêu đã tận dụng nguồn lực để phát triển nghề muối, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy kết quả còn khiêm tốn, nhưng cơ bản đã tạo lập được cơ sở cho đầu tư phát triển, bước đầu đã góp phần giúp diêm dân an tâm sản xuất.

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích sản xuất muối là 1.419 ha (trong đó, huyện Đông Hải là 1.289 ha; huyện Hòa Bình là 130,3 ha). Năm 2023 sản lượng đạt 27.464 tấn (giảm 62,73% so với năm 2012), trong đó, sản lượng muối trắng là 7.365 tấn (tăng 209,19% so với năm 2012). Đối với mô hình sản xuất muối truyền thống, năng suất năm 2023 đạt 16,40 tấn/ha, mô hình sản xuất muối trải bạt năng suất đạt 37,5 tấn/ha.

Ông Ngô Nguyên Phong – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Để nâng tầm sản phẩm, khai thác có hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thời gian qua UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ các Công ty muối quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ hạt muối (muối ớt, muối tiêu, muối tôm,…) phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu.

Đến nay, Bạc Liêu có 2 Công ty muối, trong đó có 10 sản phẩm muối đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (7 sản phẩm muối của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đạt OCOP 4 sao: Muối tinh Bạc Liêu, muối tôm Bạc Liêu, muối chay Bạc Liêu, muối hạt Bạc Liêu, muối i-ốt Bạc Liêu, muối ớt Bạc Liêu và muối tiêu Bạc Liêu. 3 sản phẩm muối của Công ty Cổ phần muối Đông Hải đạt OCOP 3 sao: Muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy và muối tinh sấy i-ốt)”.

Diêm dân huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) cào muối lại thành từng đống rồi vận chuyển muối đến điểm tập kết.
Diêm dân huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) cào muối lại thành từng đống rồi vận chuyển muối đến điểm tập kết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề muối tỉnh Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, hạn chế, như chi phí sản xuất còn cao, giá bán của sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm và công sức của diêm dân. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá” xảy ra thường xuyên, diêm dân có thu nhập thấp, bấp bênh nên đời sống không ổn định, chưa sống được bằng nghề muối, thường phải đi làm thuê kiếm sống…

Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối

Để nâng cao nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối, trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực khai thác, phát huy tối đa nguồn lực sẵn có, nhất là sử dụng có hiệu quả kết quả của dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phát triển sản xuất các vùng nông nghiệp tập trung của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, năm 2030 giữ ổn định vùng sản xuất muối tập trung 1.360 ha, sản lượng 50.000 tấn/năm, nâng tỷ lệ sản xuất muối trắng trải bạt trên 40% diện tích. Đặc biệt, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, HTX ứng dụng thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với liên kết chuỗi giá trị,…

Lãnh đạo huyện Đông Hải tham quan trưng bày các sản phẩm muối và một số đặc sản của huyện nhân dịp Lễ hội Nghinh Ông (ngày 17/4/2024).
Lãnh đạo huyện Đông Hải tham quan trưng bày các sản phẩm muối và một số đặc sản của huyện nhân dịp Lễ hội Nghinh Ông (ngày 17/4/2024).

Ông Nguyễn Trọng Hán – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải chia sẻ: “Trong những năm qua, nghề muối Bạc Liêu nói chung, huyện Đông Hải nói riêng luôn đứng trước những khó khăn thách thức, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Tuy nhiên, đời sống diêm dân đang gặp khó khăn như được mùa muối thì mất giá”.

“Thời gian tới, huyện xây dựng mô hình quản lý sản xuất kinh doanh liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả của các HTX. Đồng thời, vận động các hộ sản xuất nhỏ lẻ thực hiện theo hình thức hợp tác, liên kết tạo thành các tổ hợp tác, HTX nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt tạo mọi điều kiện để hỗ trợ diêm dân tiếp cận với các chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất và chuyển giao kỹ thuật”, ông Nguyễn Trọng Hán cho biết.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí vừa qua, ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chia sẻ về sự kiện Festival Muối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì sẽ được tổ chức tại địa phương vào tháng 12/2024.

“Hạt muối Bạc Liêu không có vị chát, ngon hơn những nơi khác nhưng giá bán chỉ khoảng 1.500 đồng/kg. Doanh nghiệp cho hay muối nước ta khi xuất khẩu sang Singapore qua chế biến thì có giá bán khoảng 1,8 triệu đồng/1kg. Nghề làm muối vất vả, nắng cháy cả lưng nhưng thu nhập mang lại không là bao. Nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ thì chỉ trong một vài năm nữa thôi diêm dân sẽ bỏ nghề để chuyển sang công việc khác”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trăn trở.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon